Sơ lược nội dung và giá trị nghệ thuật Ninh_Tốn

Thơ Ninh Tốn bao gồm nhiều thể loại và nhiều đề tài khác nhau, trong đó có thể tạm chia làm ba loại chính:

  • Thơ đề vịnh phong cảnh, con người, di tích lịch sử, nhân vật lịch sử.
  • Thơ họa đáp, tặng tiễn bạn bè.
  • Thơ tự thuật và cảm xúc trữ tình.

Nhìn chung trong thơ văn Ninh Tốn, có mấy điểm đáng chú ý như sau:

  • Khởi đầu, Ninh Tốn, vốn là người lạc quan, tích cực (bài "Tự thuật" [làm lúc trẻ], "Du học kinh sư" [Du học ở kinh đô]...). Sau khi trải qua nhiều cơn lốc xoáy của thời đại Lê mạt-đầu Nguyễn, nhà thơ đã không khỏi day dứt khi nghĩ đến chuyện hành tàng, xuất xử, họa phúc, an nguy, và lẽ phế hưng, thành bại của các triều...Cho nên trong thơ ông lúc này đã hé lộ ý muốn về ở ẩn ("Tự thuật" [làm khi đã có tuổi], "Hiệp đồng phủ thuận đạo hải đồn ngẫu hứng" [Ngẫu hứng khi làm Hiệp đồng ở đồn Động Hải]...)...
  • Ông không những vui buồn cùng người dân, mà cả đến ước mơ và hy vọng cũng vậy ("Tặng Ngọc Động Đinh huynh chi huyện" [Tặng ông họ Đinh ở Ngọc Động đi làm quan huyện], "Bính Thân xuân khiển Doãn tác man niết" [Năm Bính Thân được phê chuẩn làm Án sát Sơn Nam]...). Ông luôn mong ước được sống trong một triều đại thịnh vượng, mà ở đó vua tôi đều là người tài đức, đều biết yêu thương và chăm sóc việc làm ăn của dân ("Vọng Hùng Vương cố đô" [Trông kinh đô cũ thời vua Hùng], "Chương Dương mộ bạc" [Chiều đậu thuyền ở bến Chương Dương], "Ký kiến" [Ghi những điều trông thấy], "Sơn cư xuân mộ" [Chiều xuân ở núi], "Kinh thái hòa cung" [Qua cung thái hòa], "Bát tràng" [Lò bát]...).
  • Một điểm nổi bật nữa, đó là ông đã đánh giá lại những nhân vật phụ nữ trong lịch sử, như chuyện nàng Bích với nhà sư Huyền Quang ("Vân Bích nương" [Thương tiếc nàng Bích]), chuyện công chúa Huyền Trân với tướng Trần Khắc Chung (dưới mắt ông, Huyền Trân không hư hỏng về nhân cách, mà chỉ là một nạn nhân của một xã hội cưỡng hôn)[13]...Và họ Ninh cũng đã công khai ca ngợi tài năng của phái đẹp ("Mã thượng mỹ nhân" [Người đẹp trên ngưa], "Ký tài nữ Thụy Liên" [Gửi bậc tài nữ Thụy Liên]). Thái độ này rất hiếm thấy trong giới nhà nho lúc bấy giờ.

Nói gọn, bên cạnh những giá trị nghệ thuật, người đọc còn phần nào nhận thức được cái xã hội cuối Lê, đầu Nguyễn; phần nào hiểu được giới nho sĩ và nông dân cùng với những ước mơ, những khát vọng chân chính của họ. Bởi những giá trị ấy, các danh sĩ đương thời như Phạm Nguyễn Du, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Đĩnh, Hi Tứ, Nguyễn Quýnh...đều có thơ từ khen tặng [14].

Nói đến Ninh Tốn và thơ văn của ông, Từ điển Văn học (bộ mới) đã đánh giá như sau:

Phần lớn các bài thơ đều toát lên một sức sống, một dáng dấp lạc quan, vui tươi. Điều đó, một mặt phản ánh lòng yêu đời, cá tính sôi nổi, đầy tự tin, ưa hành động của con người tác giả; mắt khác cũng phản ánh phần nào cái không khí hồ hỡi, cởi mở của triều đại Tây Sơn mà tác giả ngày càng gắn bó và đem sức mình ra phục vụ. Một điểm đặc sắc nữa là trong tập có hơn ba mươi bài nói về phụ nữ, một số lượng đáng kể so với các nhà thơ đương thời. Qua đó có thể thấy được lòng trân trọng đối với phụ nữ của ông.Về nghệ thuật: lời thơ của ông giản dị, trong sáng, ít điển cố, có lúc pha chút khôi hài; thể hiện một phong cách mới cả về nội dung lẫn hình thức[15]. Riêng mặt này, Tiến sĩ Nguyễn Quýnh, người cùng thời, cũng đã khen rằng: Ninh Tốn là kẻ lão luyện trong văn mặc, sở trường cả thơ phú, trước thuật[16].